Top 10+ món ăn đặc sản miền Nam mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa

Miền Nam Việt Nam là vùng đất hội tụ văn hóa ẩm thực của nhiều vùng miền khác nhau, đặc biệt là có sự giao thoa với ẩm thực của người Hoa và các quốc gia láng giềng như Campuchia, Thái Lan… Để biết thêm chi tiết mời bạn cùng chúng tôi tìm hiểu về sự đa dạng này thông qua top 10+ món ăn đặc sản miền Nam dưới đây.

I. Hủ tiếu Nam Vang

Hủ tiếu Nam Vang có mặt trong cả những quán ăn hạng sang cho đến các tiệm ăn bình dân ven đường. Bất cứ ở đâu trên khắp khu vực miền Nam thì bạn cũng dễ dàng tìm thấy món ăn này. Món ăn này có thể chế biến bằng nhiều công thức khác nhau nhằm tạo ra nhiều hương vị đặc trưng. 

Về cơ bản, một tô hủ tiếu sẽ bao gồm nước dùng là nước luộc từ tôm và thịt có vị ngọt thanh; thịt thái lát, thịt bằm, tôm, xương, trứng cút, hành lá, hành phi… Thực khách có thể lựa chọn ăn hủ tiếu mềm hoặc hủ tiếu dai; ăn khô hay ướt tùy theo sở thích.

II. Sủi cảo – Sài Gòn

Sủi cảo vốn là một món ăn truyền thống của người Hoa. Tuy nhiên, Sài Gòn là nơi có rất nhiều người Hoa sinh sống nên lâu dần sủi cảo đã trở thành món ăn đặc trưng ở miền Nam. Những quán bán sủi cảo tại Sài Gòn thường là quán ăn lâu đời với công thức làm sủi cảo gia truyền. 

Vỏ bánh sủi cảo mỏng, dai, khi nấu lên không bị mềm nhũn; nhân bên trong phần nhiều là tôm thịt được tẩm ướp gia vị rất thơm ngon. Sủi cảo ngoài hấp ra thì còn nhiều cách chế biến khác như chiên, sốt dầu hào, nấu mì sủi cảo với nước hầm từ xương heo và củ cải trắng.

III. Bánh canh Trảng Bàng

Tây Ninh nổi tiếng với Khu du lịch tâm linh Núi Bà Đen và một món ăn vô cùng đặc sắc đó là bánh canh Trảng Bàng. Sợi bánh canh ở đây được làm từ bột gạo, dai và to hơn sợi bún. Trong khi đó, nước dùng được hầm từ xương heo kết hợp với một số loại rau củ và gia vị đặc trưng khác tạo ra hương vị ngọt thanh.

Bánh canh Trảng Bàng thường chỉ có thêm thịt thái lát mỏng hoặc giò heo, ăn kèm cùng giá, rau sống và nước mắm ớt.

IV. Cá lóc nướng trui – Cần Thơ

Nếu là tín đồ của các món ăn làm từ cá thì khi đến miền Nam, đặc biệt là Cần Thơ, bạn không nên bỏ qua món cá lóc nướng trui. Tuy đây chỉ là món ăn dân dã trong bữa cơm chiều của người dân Nam bộ nhưng hương vị đặc trưng từ cá lóc miền sông nước đã tạo nên thương hiệu cho món này.

Cá lóc được làm sạch rồi đem nướng trui nên độ mềm và ngọt của thịt cá được lưu giữ một cách trọn vẹn nhất. Bên cạnh nướng trui, bạn có thể thưởng thức món cá nướng lá sen ăn kèm bánh tráng rau sống và mắm nêm. 

V. Lẩu cá linh bông điên điển

Cá linh được xem là loại cá đặc sản của vùng nước nổi miền Tây Nam Bộ. Những con cá linh vào đầu mùa thường còn non, có thịt mềm và ít xương. Bông điên điển cũng chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi nên đã trở thành sự kết hợp tuyệt vời với cá linh. 

Những nồi lẩu cá linh đầy hấp dẫn bởi vị chua chua, ngọt ngọt từ cá linh và độ giòn giòn bùi bùi của bông điên điển. Đặc biệt, sắc vàng rực rỡ của bông điên điển cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp khác biệt cho món ăn này.

VI. Gỏi củ hủ dừa

Củ hủ dừa là phần đọt non bên trong của cây dừa. Người dân Nam bộ thường lấy phần này để làm gỏi. Kết hợp với các nguyên liệu như thịt heo, tôm, rau thơm, đậu phộng… Củ hủ dừa có vị giòn, ăn vào rất lạ miệng, khi ăn cùng bánh phồng tôm và nước mắm chua ngọt nữa thì càng kích thích vị giác của thực khách. Món gỏi củ hủ dừa thường là món khai vị trên bàn tiệc của người miền Nam. 

VII. Cơm tấm

Cơm tấm là món ăn phổ biến của người Sài Gòn. Ở đây, người ta có thể ăn cơm tấm cho bữa sáng, bữa trưa hoặc bữa tối. Cơm thường có các lựa chọn ăn kèm hấp dẫn là chả, trứng ốp la, sườn nướng, xíu mại, lạp xưởng…

VIII. Cơm cháy kho quẹt

Người nông dân miền Nam đã sáng tạo ra món ăn siêu thú vị từ phần cơm cháy dưới đáy nồi đó chính là món cơm cháy kho quẹt. Phần cơm cháy giòn giòn chấm cùng nước sốt kho quẹt đậm đà (được làm từ tóp mỡ, tôm khô…) tạo nên hương vị tuy không quá mới lạ mà cực kỳ đặc sắc, ăn hoài không ngán.

IX. Lẩu cá kèo lá giang

Cá kèo lá giang là một món lẩu Nam bộ khác cũng nổi tiếng không thua kém gì món lẩu cá linh bông điên điển. Cá kèo có vị ngọt kết hợp cùng lá giang có vị chua tạo nên sự hòa quyện đậm đà, ấn tượng. Lẩu cá kèo lá giang thường được ăn cùng bún, rau rừng và chấm nước mắm ớt để gia tăng hương vị.

X. Mắm chưng

Mắm chưng được chế biến theo cách thức đơn giản: chưng mắm đã ướp gia vị trong một tô nhỏ cùng trứng vịt, có thể thêm ít thịt băm. Món này chủ yếu được ăn trong bữa cơm. Nét đặc sắc của món ăn này là từ các loại mắm miền Tây được sử dụng để chưng, chắc chắn ai đã từng ăn qua một lần rồi đều sẽ cảm thấy khó mà quên được.

XI. Cháo lòng

Món cháo lòng của miền Nam được nấu bằng gạo rang và lòng lợn luộc. Các loại gia vị, tiêu, ngò sẽ được nêm nếm cho vừa ăn. Ngoài ra, có một số người sẽ cho thêm hành phi, tỏi phi để cháo có vị thơm ngon hơn. Mọi người thường ăn cháo lòng cùng bánh quẩy hoặc bún tươi.

XII. Vịt nấu chao

Để có nồi vịt nấu chao ngon, thịt vịt cần được sơ chế và xào qua với gia vị, tỏi để thịt săn lại. Khoai môn cũng được chiên sơ cho vàng mặt rồi mới thả vào nấu cùng thịt vịt và nước dừa. Sau cùng, người ta sẽ thêm ít chao để tăng mùi thơm cho món ăn. Rau mồng tơi, rau muống, bún và nước chấm cay được dùng để ăn kèm trong món vịt nấu chao này.

Những món ăn được xếp vào hàng đặc sản của miền Nam vừa nêu ở trên chắc chắn sẽ không làm bạn phải thất vọng. Ngoài ra, nếu bạn cần tìm hiểu thêm về một số món đặc sản Tây Nam Bộ có thể dùng làm quà tặng thì bạn hãy tham khảo thêm ở website Hương Việt Mart. Vẫn còn rất nhiều điều thú vị trong văn hóa ẩm thực Việt đang chờ bạn khám phá. 

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *